Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tích hợp toàn bộ các nội dung phát triển các ngành quan trọng, tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội, phương án phát triển. Đây cũng chính là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển.
Công nghiệp
Phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
Công nghiệp chế biến: phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 3 nhóm ngành chủ lực: chế biến điều, chế biến cao su và gỗ, chế biến thực phẩm (các sản phẩm từ gia súc, gia cầm).
Công nghiệp chế tạo: tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn.
Đất đai ở Bình Phước rất dồi dào và bằng phẳng nên thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, nhất là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và phát triển đô thị – Ảnh: Tiến Dũng
Công nghiệp hỗ trợ: hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.
Công nghiệp năng lượng tái tạo: phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh.
Công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao.
Công nghệ thông tin: tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Bình Phước sẽ chú trọng mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp – Ảnh: Tiến Dũng
Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp: Huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận, gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản. Mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp khi được cấp có thẩm quyền giao bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha.
Phương án phát triển cụm công nghiệp: Phát triển 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.830 ha phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây,…
Phương án phát triển khu kinh tế: Tiếp tục đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh với quy mô diện tích là 25.864 ha.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp – Ảnh: Tiến Dũng
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phương án phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung: Tổ chức các khu nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long.
Thương mại – dịch vụ
Phát triển thương mại dịch vụ tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
Tập trung triển khai hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới có tiềm năng.
Cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) – Gia Nghĩa (Đắk Nông) được triển khai sẽ tạo động lực để Bình Phước phát triển – Ảnh: Tiến Dũng
Phương án phát triển hạ tầng thương mại: Xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng các chợ tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố. Cải tạo, nâng cấp, xây mới các chợ có quy mô hạng III ở địa bàn cấp xã đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển đô thị tại các địa phương. Xây dựng mới 2 chợ đầu mối nông sản tại thành phố Đồng Xoài và thị xã Chơn Thành.
Đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa bàn đô thị như thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú. Thu hút đầu tư, xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại có quy mô phù hợp tại khu vực trung tâm các huyện và khu vực nông thôn khác. Đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh tại thành phố Đồng Xoài.
Xây dựng mới, mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan. Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả vị trí địa chiến lược của tỉnh, phát triển Bình Phước trở thành trung tâm dịch vụ logistics kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Đầu tư xây dựng mới hệ thống kho hàng thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành và các địa bàn phù hợp với nhu cầu trung chuyển, lưu trữ hàng hóa của từng khu vực.
Du lịch
Xây dựng các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch Bình Phước là điểm đến hấp dẫn, đặc sắc với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch; xây dựng các khách sạn 4-5 sao, sân gôn. Xây dựng và phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế, nhất là tuyến du lịch kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Hệ sinh thái ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập là điểm đặc biệt thu hút khách du lịch – Ảnh: Kiều Đình Tháp
Phương án phát triển các khu du lịch: Tập trung đầu tư các dự án du lịch trọng điểm như: dự án Khu đô thị, du lịch sinh thái hồ Suối Giai và Tây hồ Bà Mụ (huyện Đồng Phú), dự án Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng), dự án Khu quần thể văn hóa – cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long), dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh)…
Văn hóa, thể thao
Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện gắn với mục tiêu phát triển con người, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Bình Phước; thúc đẩy các ngành dịch vụ văn hóa, văn hóa cộng đồng, bảo tàng, bảo tồn, sáng tác văn học nghệ thuật.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa – thể thao phục vụ đời sống nhân dân. Xây dựng mới sân vận động tỉnh tại thành phố Đồng Xoài gắn với trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Bình Phước. Phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng; ưu tiên đầu tư cho công tác huấn luyện các đội tuyển thể thao trẻ, thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh sẽ xây dựng 4 sân vận động cấp huyện. Trong ảnh: Sân vận động tỉnh và Nhà thi đấu đa năng tỉnh – Ảnh: Tiến Dũng
Phương án phát triển các khu thể thao: Xây dựng mới sân vận động tỉnh tại thành phố Đồng Xoài. Đầu tư nâng cấp khu liên hợp thể thao tại thị xã Chơn Thành. Xây dựng 4 sân vận động cấp huyện. Mỗi phường, xã tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú có sân tập thể thao kết hợp bể bơi, kết hợp với các không gian tập luyện công cộng.
Giáo dục và đào tạo
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI; ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt và học tốt, nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng yêu nghề vì quê hương Bình Phước; xây dựng trường học thân thiện, tiên tiến, hiện đại. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống trường học các cấp, đặc biệt là phát triển các trường dân tộc nội trú và hệ thống cơ sở giáo dục tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng chuyên môn của các nhà đầu tư – Ảnh: Tiến Dũng
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đáp ứng nhu cầu về chuyên môn; chú trọng nâng cao chất lượng dạy học tin học, ngoại ngữ, xây dựng trường học thông minh.
Khuyến khích thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp để tham gia đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp và đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, an toàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu giáo dục của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phương án phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo: Đầu tư phát triển mạng lưới trường học, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2030 có 80% các trường mầm non, 90% các trường tiểu học và trung học cơ sở và 100% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Kiên cố hóa toàn bộ các trường học, đảm bảo không còn các lớp học không đảm bảo về điều kiện vật chất. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông; hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở. Bố trí, sắp xếp các điểm trường lẻ theo cấp phù hợp với quy định. Phát triển các trường mầm non tại các khu công nghiệp để phục vụ công nhân và người lao động, nhất là tại thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú.
Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Xây dựng và phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh. Phát triển hệ thống y tế đồng bộ, cân đối giữa y tế dự phòng và điều trị, giữa y tế phổ cập, y tế cộng đồng và y tế chuyên sâu. Chú trọng phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Xây dựng và phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân – Ảnh: Tiến Dũng
Đầu tư, nâng cấp hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã.
Khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực y tế, chăm sóc khỏe nhân dân. Có chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ y tế có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phương án phát triển hạ tầng y tế: Đến năm 2030, hệ thống cơ sở y tế tỉnh Bình Phước có 2 bệnh viện tuyến tỉnh, ít nhất 2 bệnh viện tư nhân; 10 trung tâm y tế cấp huyện; 111 trạm y tế cấp xã và các đơn vị y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, kiểm nghiệm. Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị xây dựng các trung tâm chuyên sâu trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nâng cấp lên bệnh viện hạng 1, quy mô khoảng 1.000 giường bệnh.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với tất cả các ngành, lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến hoạt động kinh tế – xã hội; tăng nhanh đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế. Chủ động tìm kiếm công nghệ mới, hợp tác chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học.
Xây dựng, kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng và chuyển đổi số sâu rộng; nâng cao vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp.
Phương án phát triển hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Ưu tiên nguồn lực phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, dịch vụ kỹ thuật đo lường, cơ sở dữ liệu thông tin; thu hút đầu tư các hạ tầng, cơ sở vật chất khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho vùng Đông Nam Bộ có diện tích khoảng 200 ha tại thành phố Đồng Xoài.
Thông tin và truyền thông
Phát triển hệ thống thông tin, truyền thông và hạ tầng số đồng bộ, nhằm tăng cường khả năng kết nối thông suốt, phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế số; chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số và khuyến khích phát triển các nền tảng số để ứng dụng trong lĩnh vực bưu chính.
Được đầu tư trang thiết bị hiện đại, BPTV đang phát triển phù hợp với xu hướng của cơ quan truyền thông đa phương tiện – Ảnh: Tiến Dũng
Phát triển các cơ quan báo chí theo mô hình trung tâm truyền thông đa phương tiện, chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị hiện đại, các hệ thống phần mềm, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích số liệu, sản xuất tin bài.
Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông: Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Hạ tầng bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy chính quyền số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số hướng tới chính quyền số, đô thị thông minh ở Bình Phước. Phát triển hạ tầng số rộng khắp, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh.
Lao động, việc làm và an sinh xã hội
Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng học sinh cùng với nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động.
Chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội; tập trung nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo bền vững, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Khu nhà ở xã hội tại xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài – Ảnh: Tiến Dũng
Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập của tỉnh tại thành phố Đồng Xoài để chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp, từng bước tiến tới cung cấp các dịch vụ cao về chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng có nhu cầu.
Phương án phát triển hạ tầng lao động, việc làm và trợ giúp xã hội: Nâng cấp trung tâm dịch vụ việc làm hiện có; thành lập 2 cơ sở mới tại các khu công nghiệp Chơn Thành và Đồng Phú. Xây dựng mới hoặc tái lập Trung tâm Công tác xã hội tại thành phố Đồng Xoài theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Chuyển đổi trung tâm bảo trợ xã hội công lập hỗn hợp hiện tại thành trung tâm cung cấp dịch vụ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng mới trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Nâng cấp, mở rộng cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Phát triển và nâng cấp trung tâm điều trị methadone thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện kết hợp các giải pháp trợ giúp dựa vào cộng đồng.
Phương án phát triển hạ tầng nhà ở xã hội: Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội gắn với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động.
Quốc phòng – an ninh
Xây dựng quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và người dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng.
Phương án xác định khu quân sự, an ninh: Quy hoạch 250 vị trí đất quân sự với tổng diện tích khoảng 7.390 ha. Quy hoạch cho các công trình, dự án trọng điểm về an ninh với tổng diện tích khoảng 1.314 ha.
Compare listings
Compare