Con Riêng Có Quyền Thừa Kế Tài Sản Không? Vợ Có Thể Phản Đối Di Chúc Của Chồng Không?

Quyền thừa kế tài sản được quy định như thế nào đối với trường hợp con riêng của vợ/chồng? Vợ có thể phản đối di chúc của chồng cho con riêng thừa kế đất đai không? Người đã ký từ chối quyền nhận di sản thừa kế có thể kiện để đòi lại không? Cùng theo dõi ý kiến tư vấn của luật sư dành cho các trường hợp cần giải đáp về quyền thừa kế dưới đây!

Con Riêng Có Quyền Thừa Kế Tài Sản Không?

Hỏi: Cô tôi và chồng cùng sở hữu một số bất động sản gồm nhà và đất. Mười năm trước, chú ngoại tình và có con riêng. Xin hỏi nếu chú mất mà không để lại di chúc thì con riêng có được chia tài sản thừa kế của chú không? Nếu chú viết di chúc để lại tài sản cho con riêng thì cô có thể phản đối không? Phần tài sản tối đa chú có thể chia cho con riêng là bao nhiêu?

H.L (Thái Bình)

Trong trường hợp vợ/chồng có con riêng ngoài giá thú, người con đó có quyền thừa kế tài sản không? Ảnh: Freepik

Trả lời:

Con Riêng Có Được Thừa Kế Tài Sản?

Điểm a, Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật gồm:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
…”

Do đó, nếu chú bạn mất mà không để lại di chúc và người con riêng chứng minh được người đó là con đẻ của chú bạn (thông qua giấy khai sinh hoặc xét nghiệm DNA) thì người con riêng đó thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chú bạn và được hưởng một suất thừa kế chia theo quy định của pháp luật.

Vợ Có Thể Phản Đối Di Chúc Của Chồng?

Theo thông tin bạn cung cấp thì tài sản được sở hữu chung bởi vợ chồng cô chú bạn. Do không có thông tin đầy đủ nên chúng tôi giả định toàn bộ tài sản thừa kế của chú bạn là tài sản chung của vợ chồng chú bạn, và vợ chồng chú bạn chưa có thỏa thuận phân chia tài sản chung.

Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.”.

Như vậy, chú bạn có quyền lập di chúc định đoạt việc phân chia tài sản riêng của chú và phần tài sản của chú trong khối tài sản chung của vợ chồng cô chú bạn (một nửa phần tài sản chung). Cô bạn không có quyền phản đối di chúc đó. Tuy nhiên, pháp luật cũng bảo vệ quyền lợi của vợ / chồng, cha mẹ và con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất khả năng lao động của người đã mất. Cụ thể, Khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Vì vậy, nếu chú bạn lập di chúc để lại toàn bộ di sản của chú cho con riêng, cô bạn vẫn có quyền yêu cầu chia lại phần di sản bằng 2/3 suất thừa kế của một người được thừa kế theo pháp luật nếu di sản của chú bạn được chia theo pháp luật. Nếu chú bạn không còn người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nào khác thì phần di sản còn lại của chú sẽ thuộc về con riêng của chú.

Người Đã Ký Từ Chối Nhận Di Sản Thừa Kế Có Thể Kiện Để Đòi Lại Quyền Thừa Kế Không?

Hỏi: Ông bà tôi có 3 con là: bố tôi, ông bác và bà cô. Trường hợp ông bác và bà cô đã ký từ chối nhận di sản thừa kế tặng lại, bố tôi cũng đã đứng tên sổ hồng, vậy sau này họ có thể kiện đòi lại phần thừa kế đất đai đã từ chối không?

N.T (Hà Nội)

Đã ký giấy từ chối nhận di sản thừa kế thì có đòi lại được không? Ảnh: Freepik

Trả lời:

Trường hợp phân chia di sản thừa kế liên quan đến bất động sản như trường hợp của bạn phải tuân thủ các quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Do bạn không nêu rõ di sản thừa kế là tài sản gì, cũng như thời điểm phân chia di sản thừa kế và cấp sổ hồng đứng tên bố bạn, chúng tôi không thể đưa ra quy định pháp luật được áp dụng một cách chính xác. Tuy nhiên, liên quan đến đăng ký biến động tài sản là bất động sản, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ kiểm tra và xác thực các tài liệu liên quan trước khi cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng).

Trong trường hợp phân chia di sản thừa kế như bạn nêu, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ kiểm tra giấy chứng tử, di chúc (nếu có), thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Trong đó, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và văn bản từ chối nhận di sản thừa kế thường sẽ được yêu cầu phải tiến hành công chứng hoặc ký trước mặt chuyên viên của Văn phòng đăng ký đất đai.

Nếu ông bác và bà cô của bạn đã từ chối nhận di sản thừa kế theo đúng quy định pháp luật, trong thời hạn pháp luật cho phép, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế đã được công chứng và sổ hồng đứng tên bố bạn được cấp đúng luật, ông bác và bà cô của bạn sẽ không thể rút lại văn bản từ chối nhận di sản thừa kế đã ký.

Nhóm Cố vấn Luật – Công ty Luật RHTLaw Việt Nam

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam, và Nhóm Cố vấn Luật – Công ty Luật RHTLaw Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Compare listings

Compare